Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trả lời: Chương trình đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc được Chính phủ giao cho các địa phương thực hiện, trên cơ sở hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Hàn Quốc. NLĐ sẽ được làm việc trong thời hạn 3 tháng hoặc 5 tháng theo visa C-4 hoặc E-8, sau đó sẽ được gia hạn tùy vào chủ sử dụng lao động. Chi phí đi Hàn Quốc khoảng 20-30 triệu đồng, tùy từng địa phương. Thu nhập tối thiểu 40 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca, làm ngoài giờ. Đến nay, các tỉnh, thành đã ký thỏa thuận đưa NLĐ sang Hàn Quốc làm thời vụ gồm: Lâm Đồng, Lai Châu, Hậu Giang, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau.
Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trả lời: Chương trình đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc được Chính phủ giao cho các địa phương thực hiện, trên cơ sở hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Hàn Quốc. NLĐ sẽ được làm việc trong thời hạn 3 tháng hoặc 5 tháng theo visa C-4 hoặc E-8, sau đó sẽ được gia hạn tùy vào chủ sử dụng lao động. Chi phí đi Hàn Quốc khoảng 20-30 triệu đồng, tùy từng địa phương. Thu nhập tối thiểu 40 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca, làm ngoài giờ. Đến nay, các tỉnh, thành đã ký thỏa thuận đưa NLĐ sang Hàn Quốc làm thời vụ gồm: Lâm Đồng, Lai Châu, Hậu Giang, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau.
Nhiều năm qua, Đồng Tháp là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, trong năm 2023, ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan đã có rất nhiều lao động sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc. Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả trong việc giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động địa phương.
Trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 2.000 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, con số này vượt xa chỉ tiêu đề ra trong năm. Đặc biệt, năm qua, người lao động Đồng Tháp tiếp tục có thêm cơ hội làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc. Người lao động Đồng Tháp khi sang Hàn Quốc làm việc được hưởng các chính sách ưu đãi theo các nội dung thỏa thuận hợp tác ký kết giữa tỉnh Đồng Tháp với các huyện của Hàn Quốc. Chính sách ưu đãi từ việc học ngoại ngữ, định hướng và các thủ tục trước khi xuất cảnh.
Đồng Tháp và huyện Yeoncheon ký kết ghi nhớ về chương trình hợp tác lao động thời vụ. Ảnh: Cúc Phương
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Đồng Tháp với 02 huyện của Hàn Quốc là huyện Cheorwon - tỉnh Gangwon và huyện Yeoncheon - tỉnh Gyeonggi, đến nay đã có 547 lao động Đồng Tháp xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh có 203 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc.
Người lao động Đồng Tháp khi sang Hàn Quốc làm việc thông qua sự giới thiệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp sẽ được đảm bảo các quyền lợi ưu tiên, từ việc học ngoại ngữ, định hướng, xem xét các chính sách cho vay đối với người lao động đăng ký tham gia.
Phấn khởi khi vừa trở về quê hương vào tháng 11/2023 sau khi hoàn thành đợt làm việc tại huyện Cheorwon - tỉnh Gangwon, hai vợ chồng chị Đặng Thị Diễm Kiều (ngụ thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) cho biết “Trước lúc xuất cảnh bản thân cũng lo lắng vì từ trước đến nay chỉ quẩn quanh ở nhà, chưa đi đâu xa và cũng lo không biết giao tiếp ra sao bởi không rành tiếng Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi sang Hàn Quốc làm việc, tôi được chủ quan tâm, đối xử rất tốt, công việc cũng không vất vả lắm. Khi trở về tôi cũng tích lũy được một số vốn kha khá giúp gia đình ổn định cuộc sống hơn. Hiện tôi đã hoàn tất thủ tục để được quay trở lại Hàn Quốc làm việc, dự kiến sẽ xuất cảnh vào tháng 04/2024”.
Còn đối với anh Bùi Trung Quí (ngụ xã Phú Long, huyện Châu Thành) chia sẻ “Thủ tục để đi chương trình này khá dễ cho lao động có thể tham gia và công việc bên Hàn Quốc tương đối nhẹ nhàng, thời tiết dễ chịu, thu nhập cũng khá cao. Khi trở về, bên cạnh có một số vốn để làm ăn thì điều quan trọng là bản thân học hỏi được nhiều kiến thức trong sản xuất nông nghiệp hiện đại tại Hàn Quốc”.
Lao động sang Hàn Quốc được làm việc trong môi trường nông nghiệp hiện đại
Nói về cơ hội việc làm tại Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, có nhiều hướng mới, nhu cầu tuyển dụng mới từ chương trình hợp tác lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Đồng Tháp với các huyện của Hàn Quốc. Lao động thời vụ với thủ tục nhanh gọn, không có yêu cầu cao về đào tạo nghề, ngoại ngữ, thời gian đi ngắn, thu nhập khá cao, đã mở ra một hướng đi mới trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Đặc biệt kể từ năm 2023, người lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp được rất nhiều thuận lợi như: Thu nhập được tăng lên so với trước đây, hiện tại khoảng 37 triệu đồng/tháng; thời gian làm việc liên tục là 08 tháng, gia hạn thêm 3 tháng tại Hàn Quốc mà không cần về Việt Nam như trước; độ tuổi của người lao động được mở rộng từ 27 – 45 tuổi v.v.. Ngoài ra, người lao động được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; được bảo đảm các điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Hàn Quốc - bà Nguyễn Thị Minh Tuyết cho biết.
Năm 2023, toàn tỉnh có 203 lao động xuất cảnh sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, trong năm 2024, nhu cầu tuyển lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc sẽ tăng hơn so với năm 2023. Phía Hàn Quốc sẽ tuyển chọn 346 lao động Đồng Tháp, bao gồm cả tuyển mới và gia hạn cho lao động mẫu mực. Kế hoạch xuất cảnh chia làm 3 đợt: Tháng 3, tháng 4 và tháng 5. Đối với những lao động mẫu mực được gia hạn về nước và trở lại Hàn Quốc trong thời hạn 06 tháng sẽ không phải khám sức khoẻ và một số thủ tục khác, chính sách này giúp người lao động giảm đi chi phí rất nhiều.
Nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc thời vụ đang rất lớn bởi sự ưu việt của chương trình này. Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn chưa nắm rõ chương trình nên gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị lừa khi có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc ngắn hạn. Hay nhiều tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn thông báo tuyển lao động với điều kiện hấp dẫn như xuất cảnh nhanh, chi phí đi thấp, đăng ký là trúng tuyển v.v..
Tại Đồng Tháp, mặc dù chưa xảy ra tình trạng này, tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có những lưu ý đối với người lao động. Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết cho biết, chương trình đưa lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc thực hiện theo thỏa thuận ký giữa Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh của Việt Nam và chính quyền địa phương Hàn Quốc. Đến nay, đã có 14 tỉnh, thành phố ký thỏa thuận với các địa phương Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ sang làm việc, trong đó có Đồng Tháp. Do đó, người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm, không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới nào khác.
Lãnh đạo huyện Yeoncheon – tỉnh Gyeonggi gặp gỡ lao động Đồng Tháp trước khi xuất cảnh sang địa phương làm việc
Để chương trình lao động này hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc triển khai thỏa thuận, giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc; chủ động cập nhật các hướng dẫn, quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc liên quan lao động nước ngoài để thông tin kịp thời đến người lao động.
Đối với người lao động cần phải chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật; chủ động học hỏi những công nghệ hiện đại của Hàn Quốc để nhanh chóng áp dụng vào công việc; chăm chỉ làm việc, tuân thủ giờ giấc, có ý thức làm việc tốt trong thời gian ở nước ngoài.
Có thể thấy, chương trình đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đang phát huy hiệu quả tích cực. Thu nhập, điều kiện làm việc tốt làm cho cả người lao động lẫn người ở nhà đều yên tâm, phấn khởi. Ngoài thu nhập khá cao có thể tích lũy vốn, kiến thức, kỹ năng tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.